MỸMột số tia sét hôm 27/8 đã đánh vào bệ phóng Pad 39B nhưng không ảnh hưởng đến tên lửa và tàu vũ trụ cạnh đó.
Một số tia sét đánh trúng Pad 39B được camera ghi lại hôm 27/8. Video: NASA
Siêu tên lửa SLS và tàu vũ trụ Orion đã được lắp ghép và dựng đứng trên bệ phóng Pad 39B tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy của NASA ở Florida để chuẩn bị sẵn sàng cho sứ mệnh Mặt Trăng Artemis 1, dự kiến diễn ra vào hôm 29/8.
Hai ngày trước khi phóng, nhiều tia sét đã xuất hiện tại địa điểm, với ba trong số đó thậm chí đánh trúng hai tháp chống sét của Pad 39B – một tia đánh vào tháp số 1 và hai tia đánh vào tháp số 2, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ cho biết trong một tuyên bố.
Tuy nhiên, không có gì đáng báo động khi các ngọn tháp đã phát huy đúng vai trò của chúng: bảo vệ hệ thống phóng có giá trị khỏi tác động của dòng điện mạnh. Hồi tháng 4, một trong ba ngọn tháp của Pad 39B cũng bị sét tấn công trong cuộc thử nghiệm tiếp nhiên liệu Artemis 1, nhưng cả SLS và Orion đều không bị ảnh hưởng.
Trong một blog cập nhật vào tối qua, NASA cho biết các tia sét có cường độ thấp nhưng đang tiến hành điều tra để đảm bảo không có sự cố gì xảy ra trước ngày phóng.
“Một nhóm thời tiết đã bắt đầu đánh giá tác động của sét, bao gồm thu thập dữ liệu dòng điện và điện áp, cũng như hình ảnh”, các quan chức NASA viết trong bản cập nhật. “Dữ liệu sau đó được chia sẻ với một nhóm chuyên gia, những người sẽ xác định xem có bất kỳ vấn đề nào đối với phương tiện phóng hoặc hệ thống mặt đất hay không. Các kỹ sư sẽ đến kiểm tra trực tiếp tại bệ phóng và nếu cần, họ sẽ tiến hành các đánh giá bổ sung với các chuyên gia hệ thống phụ”.
Hệ thống chống sét tại Pad 39B bao gồm ba tháp cao 183 m và các dây xích được bố trí để bảo vệ tên lửa, tàu vũ trụ và bệ phóng di động. Các dây này dẫn xuống đất gần như theo đường chéo, đẩy dòng sét ra xa hệ thống phóng.
Artemis 1 là sứ mệnh đầu tiên trong chương trình thám hiểm Mặt trăng Artemis, cũng như chuyến bay đầu tiên của SLS. Siêu tên lửa của NASA sẽ phóng tàu Orion không phi hành đoàn lên quỹ đạo Mặt Trăng trong một chuyến bay thử nghiệm kéo dài 6 tuần kể từ khi cất cánh cho đến khi hạ cánh. Mục tiêu chính của sứ mệnh là chứng minh rằng cả hai phương tiện đã sẵn sàng để bắt đầu phóng phi hành gia lên Mặt Trăng cũng như các điểm đến không gian sâu khác.
Các nhà dự báo thời tiết của Không quân Mỹ nói rằng có 70% khả năng “mẹ thiên nhiên” sẽ hợp tác vào ngày mai. Nếu thời tiết xấu hoặc có vấn đề kỹ thuật xảy ra, chuyến bay sẽ được lùi sang ngày 2/9 hoặc 5/9.